Những chặng đường đã qua

Bộ môn Công nghệ Thực phẩm được thành lập năm 1978 với tên gọi ban đầu là Bộ môn Chế biến thuộc Khoa Chăn nuôi – Thuỷ sản – Chế biến. Năm 1981, Bộ môn Chế biến được tách ra để thành lập Khoa Bảo quản & Chế biến Nông sản, sau đó đổi tên thành Khoa Công nghệ thực phẩm. Từ năm 1996, theo yêu cầu phát triển của Trường Đại học Cần Thơ, Khoa Công nghệ thực phẩm được chuyển thành Bộ môn Công nghệ thực phẩm thuộc Khoa Nông nghiệp & Sinh học ứng dụng đến tháng 0/2022. Tháng 11/2022 cùng với sự phát triển chung, Bộ môn Công nghệ thực phẩm sát nhập vào Viện Công nghệ sinh học & Thực phẩm với sự đầu tư hiện đại về cơ sở vật chất và thiết bị nghiên cứu khoa học từ Dự án nâng cấp trường Đại học Cần Thơ. lichsu

Trải qua 44 năm xây dựng và phát triển ngành Công nghệ thực phẩm đã không ngừng phấn đấu và phát triển lớn mạnh. Hiện nay Bộ môn có 15 cán bộ giảng dạy, 2 cán bộ phòng thí nghiệm và 03 nghiên cứu viên thuộc 04 phòng thí nghiệm chuyên ngành: Công nghệ thực phẩm, Vi sinh thục phẩm, Công nghệ sinh học thực phẩm và Dinh dưỡng thực phẩm. Các cán bộ đã và đang được đào tạo nâng cao trình độ ở các nước trên thế giới như vương quốc Bỉ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Pháp, Thái Lan và Việt Nam. Bộ môn hiện có 94% giảng viên có trình độ từ Tiến sĩ trở lên, trong đó có 03 Giáo sư,  03 Phó Giáo sư, 08 Tiến sĩ và 01 nghiên cứu sinh.  

Hiện nay, Bộ môn Công nghệ thực phẩm đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm và Công nghệ thực phẩm chất lượng cao với tổng số gần  1300 sinh viên. Đối với bậc Sau đại học, Bộ môn đang đào tạo 35 HVCH và 15 NCS) cho ngành cao học Công nghệ thực phẩm định hướng nghiên cứu (ứng dụng); chuơng trình Thạc sĩ dạy bằng tiếng Anh và  Tiến sĩ ngành Công nghệ thực phẩm. Đến hôm nay, Bộ môn đã đào tạo trên 5000 cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học và trên đại học, hiện đang làm việc ở khắp nơi trên cả nước, tập trung chủ yếu là khu vực đồng bằng Sông Cửu Long và các tỉnh phía Nam.  

Cùng với công tác giảng dạy, trong nhiều năm qua, bộ môn đã và đang tham gia nhiều hoạt động NCKH, chuyển giao công nghệ cũng như hợp tác quốc tế. Các đề tài NCKH mang tính thực tiễn cao được các thầy cô nghiên cứu với đa dạng nguồn nguyên liệu từ nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các đề tài này đều đã và đang được ứng dụng và chuyển giao tại các doanh nghiệp địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long.  

Để làm nên sự lớn mạnh và phát triển của BM Công nghệ thực phẩm – Trường Đại học Cần Thơ, không chỉ có được từ sự nỗ lực của ban lãnh đạo, tập thể cán bộ mà quan trọng hơn nữa là sự hỗ trợ của Trường, Bộ, địa phương và đặc biệt là từ các cựu sinh viên của Trường đã làm việc ở khắp nơi. Cùng với sự đầu tư mới về trang thiết bị, cơ sở vật chất, BM Công nghệ thực phẩm sẽ có những bước tiến xa hơn nữa trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế.