Sau thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được các y, bác sĩ và gia đình tận tình cứu chữa, NGND, GS.TS. Trần Phước Đường, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ đã từ trần vào lúc 9g40 ngày 23/8/2020 tại Đà Lạt, hưởng thọ 80 tuổi. Tang Lễ của Giáo sư được tổ chức tại nhà riêng số 20, Khu Biệt thự Đồi An Sơn, phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
NGND, GS.TS. Trần Phước Đường sinh ngày 30/4/1940, tại Đồng Tháp. Năm 1966, Giáo sư tốt nghiệp đại học ngành Sinh vật học tại Đại học Khoa học Sài Gòn và tốt nghiệp tiến sĩ khoa học, Đại học Michigan, Hoa Kỳ vào năm 1972. Giáo sư Trần Phước Đường làm Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ theo hình thức bầu trực tiếp vào năm 1989 và đây cũng là năm khởi đầu thực hiện chủ trương đổi mới của Trường.
Trong giai đoạn 1989-1997, Giáo sư Trần Phước Đường cùng với ban lãnh đạo Trường Đại học Cần Thơ đã lấy lợi thế đổi mới của quốc gia và bối cảnh hợp tác mới của thế giới quyết định đổi mới toàn diện Trường để trở thành một cơ sở đào tạo đại học và trên đại học tiên tiến ngang tầm với các trường đại học trong khu vực và thế giới. Trường Đại học Cần Thơ đã tiến hành thay đổi cơ cấu tổ chức thành ba khối chính là đào tạo (các khoa), nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và dịch vụ (các viện, trung tâm) và quản lý (phòng, ban); đặc biệt là Trường đã hợp nhất các khoa nhỏ thành khoa lớn đa ngành như nông nghiệp, sư phạm,…để nâng cao hiệu quả nguồn lực cán bộ, cơ sở vật chất và xứng tầm trong hợp tác quốc tế.
Trong hai nhiệm kỳ Hiệu trưởng từ năm 1989 đến 1996, Giáo sư Trần Phước Đường đã đẩy mạnh nhiều hoạt động hợp tác với các viện, trường trong nước và quốc tế; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ và nhân viên; đầu tư cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ,… Kết quả từ việc mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, nhiều chương trình, dự án quan trọng tạo tiền đề cho sự phát triển của Trường Đại học Cần Thơ đến ngày hôm nay là Chương trình MHO do Chính phủ Hà Lan tài trợ với kinh phí khoảng 19 triệu USD, Chương trình VLIR do Chính phủ Bỉ tài trợ với kinh phí khoảng 19 triệu USD, Dự án xây cơ sở vật chất và trang thiết bị cho Khoa Nông nghiệp do Chính phủ Nhật Bản tài trợ với kinh phí khoảng 23 triệu USD.
Sự thành công của giai đoạn 1989-1997 đã tạo nền tảng rất vững chắc cho sự phát triển của Trường Đại học Cần Thơ đến giai đoạn hiện nay và vai trò lãnh đạo và tâm huyết cho sự nghiệp “trồng người” của Giáo sư Trần Phước Đường đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng các thế hệ tiếp nối. Dù đã nghỉ hưu từ năm 2005 nhưng Giáo sư luôn dõi theo từng bước phát triển đi lên của Nhà trường. Giáo sư là tấm gương sáng và là niềm tự hào của tập thể công chức, viên chức, người lao động và sinh viên Trường Đại học Cần Thơ.
Sự ra đi của thầy đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ sinh viên của Trường. Vì điều kiện đường xá xa xôi và tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nên để tưởng nhớ đến công lao, đóng góp rất quan trọng của Giáo sư đối với sự phát triển của Trường, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức địa điểm để thầy cô, viên chức, bạn bè, đồng nghiệp; các cựu sinh viên và các em sinh viên đến thắp hương viếng Giáo sư tại Nhà khách số 1, Khu I - Trường Đại học Cần Thơ, đường 30/4 phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ trong thời gian từ 9g00 đến 21g00 ngày 25/8/2020. Thực hiện quy định của Chính phủ và địa phương trong phòng dịch Covid-19, nếu các đơn vị tổ chức đoàn viếng thì vui lòng không quá 10 thành viên.
Trường Đại học Cần Thơ kính báo và chân thành gởi lời chia buồn đến gia đình Giáo sư Trần Phước Đường.